Thứ Sáu, 03/02/2017 9:40:33 (GMT+7)

Những chính sách mới áp dụng từ tháng 2/2017

Những chính sách mới áp dụng từ tháng 2/2017

  1. Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Đây là quy định tại Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo đó, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực điện tử từ ngày 1/2/2017 nếu:

– Có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh.

– Là công dân của nước có đủ các điều kiện sau:

+ Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp. Thị thực có giá trị nhập cảnh một lần và thời hạn là không quá 30 ngày.

Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập, xuất cảnh bằng thị thực điện tử do Chính phủ công bố.

  1. Siết hoạt động kinh doanh casino

Từ ngày 15-2, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 200 tỉ đồng; đồng thời phải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và đăng ký kinh doanh ngành, nghề trò chơi điện tử có thưởng theo quy định.

Ngoài ra, phạt tiền 90-100 triệu đồng với cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Phạt từ đến 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh…

(Nghị định 175/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 15-2.)

  1. Miễn phí truy cập cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản

Từ 1-2, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Danh mục thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) hoặc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được công khai, phổ biến rộng rãi qua mạng Internet, trang điện tử sẽ không phải trả phí.

Đối với các thông tin, dữ liệu còn lại, tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng phải được cấp quyền truy cập khai thác, sử dụng qua mạng Internet, trang điện tử; tài khoản truy cập tra cứu thông tin, dữ liệu sẽ được gửi cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc thời điểm cá nhân, tổ chức thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ (nếu có).

(Thông tư 27/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản).

  1. Quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH:

Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH 2017:

Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Với người tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017.

Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng trên được điều chỉnh theo công thức sau:

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện như sau:

Với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017.

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với nhóm đối tượng trên điều chỉnh theo công thức sau:

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện như sau:

  1. Bồi dưỡng cao nhất 150.000 đồng/ngày/người khi tiếp công dân

Ngày 14/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Theo đó, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghĩa vụ tiếp công dân như sau:

– Với các đối tượng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP khi làm nhiệm vụ tiếp công dân ở trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân:

+ Nếu chưa hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người;

+ Nếu đang hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.

– Với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương thì: Bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/ngày/người.

– Các đối tượng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.

Thông tư 320/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, áp dụng cho năm ngân sách 2017; Thông tư liên tịch 46/2012/TTLT/BTC-TTCP hết hiệu lực từ ngày Thông tư 320 có hiệu lực.

  1. Phạt đến 10 triệu đồng nếu chở hàng hóa không che chắn

Cũng từ 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực.

Theo đó, tăng mạnh mức tiền phạt đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cụ thể:

– Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

– Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.

  1. Gửi đơn khởi kiện qua Internet

Người khởi kiện, người tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được lựa chọn giao dịch điện tử với Tòa án theo hình thức gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án hoặc chỉ nhận thông điệp dữ liệu điện tử do Tòa án cấp, tống đạt, thông báo; thời gian thực hiện các giao dịch điện tử trong tố tụng là 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.

Người khởi kiện, người tham gia tố tụng gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án; đồng thời, phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

(Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, có hiệu thi hành từ 15-2).

  1. Tăng gấp 8 lần mức phạt hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 01/02/2017, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng (gọi tắt là nơi công cộng) sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng (tăng gấp 8 lần so với mức phạt hiện hành là 2 – 3 trăm nghìn đồng).

Đồng thời, mức phạt cho các hành vi khác cũng tăng, như:

Phạt tiền từ 0.5 đến 1 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định nơi công cộng;

Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định nơi công cộng;

Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng hành vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP.

  1. 3 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.

Theo đó, 03 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:

– Cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên;

– Đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

– Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

Ngoài ra, Thông tư này cũng sửa đổi quy định người nộp lệ phí là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ thay vì từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ như trước đây.

Thông tư 331/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/02/2017 và được áp dụng đối với các hồ sơ đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền từ ngày 01/01/2017.

  1. Đổi mã vùng điện thoại cố định cả nước

Theo Quyết định 2036/QĐ-BTTTT về việc chuyển đổi mã vùng viễn thông, việc chuyển đổi mã vùng viễn thông sẽ diễn ra ba giai đoạn, bắt đầu từ tháng 2-2017 đến tháng 7-2018.

Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15-4 và giai đoạn 3 từ ngày 17-6 áp dụng cho các tỉnh, thành phố. Việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng một tháng cho mỗi giai đoạn.

Trong khoảng thời gian đó, người dân có thể dùng song song mã vùng mới hoặc cũ. Sau ngày 13-3 (của đợt 1), ngày 14-5 (của đợt 2) và ngày 16-7 (của đợt 3), các tỉnh, thành này sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn.

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)