Thứ Tư, 07/10/2015 7:33:42 (GMT+7)

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ 01/10/2015

Từ ngày 01/10/2015, nhiều chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể như sau:

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ 01/10/2015

  1. Giảm thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, trong đó có nhiều điểm mới.

Cụ thể từ 1/11/2015 người thành lập DN hoặc DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký DN. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN hoặc DN nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký DN theo quy định. Rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký DN xuống còn 3 ngày làm việc. Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, DN gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Nội dung thông báo gồm: Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện; số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Nghị định 05/2013/NĐ-CP.

  1. Giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài

Theo Thông tư 123/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ ngày 1-10, nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán chỉ trong một ngày làm việc, thay vì từ 3 đến 5 ngày như trước.

Nhà đầu tư nước ngoài bị hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán trong hai năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ; đang bị điều tra hoặc có các hành vi vi phạm và bị xử phạt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý ngoại hối, thuế mà chưa hết thời hạn… sẽ không được xem xét cấp mã số giao dịch chứng khoán.

Với nhà đầu tư nước ngoài cung cấp tài liệu không chính xác, kịp thời sẽ bị đình chỉ giao dịch chứng khoán đến sáu tháng. Quá thời hạn đình chỉ giao dịch, nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục được những thiếu sót trên sẽ bị hủy mã số giao dịch chứng khoán.

  1. Cơ chế quản lý tài chính Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Thông tư 119/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nguyên tắc quản lý tài chính của Quỹ như sau:

– Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chức năng hỗ trợ tài chính cho các đối tượng quy định tại Điều 3 Quyết định số 601/QĐ-TTg và thực hiện các hoạt động quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

– Quỹ tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật; thực hiện bảo toàn và phát triển vốn; bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động.

– Quỹ  hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả theo các quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này.

– Quỹ có bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại trong nước theo quy định của pháp luật.

– Quỹ được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

  1. Thủ tục cấp giấy phép lao động cho chuyên gia KHCN

Theo Thông tư 24/2015/TT-BLĐTBXH về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) thì Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của cơ quan, tổ chức.

– Văn bản chấp thuận việc sử dụng chuyên gia KHCN hoặc văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng chuyên gia KHCN.

– Bản sao được chứng thực từ bản chính hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị.

– 02 ảnh mầu (kích thước 3cm x 4cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu), ảnh chụp không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo đề nghị của cơ quan, tổ chức và phù hợp với văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng chuyên gia KHCN nhưng không quá 2 năm.

  1. Miễn thuế nhập khẩu với hành lý nhập cảnh không quá 10 triệu đồng

Định mức hành lý được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của người nhập cảnh được quy định tại Điều 3 Quyết định 31/2015/QĐ-TTg như sau:

– Rượu từ 22 độ trở lên: 1,5 lít.

– Rượu dưới 22 độ: 2,0 lít.

– Đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít.

Đối với rượu, nếu mang nguyên chai mà có dung tích vượt mức quy định nêu trên không quá 1 lít thì được miễn thuế cả chai, nếu vượt quá 1 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định.

– Thuốc lá điếu: 200 điếu.

– Xì gà: 100 điếu.

– Thuốc lá sợi: 500 gam.

Đối với thuốc lá điếu, xì gà người nhập cảnh chỉ được mang theo đúng định mức miễn thuế; nếu mang vượt định mức thì phần vượt phải tạm gửi tại kho Hải quan cửa khẩu.

– Đồ dùng cá nhân: số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi.

– Các vật phẩm khác (không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện):  Tổng giá trị không quá 10.000.000 đồng.

  1. Phải khai báo hải quan khi mang ngoại tệ trên 5.000 USD qua cửa khẩu

Theo Thông tư 120/2015/TT-BTC thì người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai Tờ khai Hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc các đối tượng sau:

– Có hành lý ký gửi trước hoặc sau chuyến đi;

– Có hàng hóa tạm nhập – tái xuất hoặc tạm xuất – tái nhập;

– Có hàng hóa phải nộp thuế: rượu từ 22 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 22 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít; thuốc lá vượt trên 200 điếu; xì gà vượt trên 100 điếu; thuốc lá sợi vượt trên 500 gram; các vật phẩm khác có tổng trị giá trên 10.000.000 đồng Việt Nam;

– Mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng, mang vàng xuất cảnh, mang vàng nhập cảnh phải khai báo hải quan theo quy định tại Thông tư 35/2013/TT-NHNN và Thông tư 11/2014/TT-NHNN .

– Người nhập cảnh có nhu cầu xác nhận hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt trị giá bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương).

  1. Cấp và sử dụng Giấy phép lái xe quốc tế

Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định đối tượng được cấp Giấy phép lái xe quốc tế (IDP), thời hạn IDP và hạng xe được phép điều khiển của IDP như sau:

– Đối tượng được cấp IDP là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng.

– IDP có thời hạn không quá 03 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia.

– Hạng xe được điều khiển của IDP tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

  1. Bị phạt tới 150 triệu đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề

Nghị định số 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

Nghị định trên quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi. Theo đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập; gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị phạt theo các mức sau: Từ 5 – 10 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; từ 10 – 20 triệu đồng đối với trường trung cấp; từ 20 – 30 triệu đồng đối với trường cao đẳng. Hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị phạt theo các mức sau: Từ 40 – 60 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; từ 60 – 80 triệu đồng đối với trường trung cấp; từ 80 – 100 triệu đồng đối với trường cao đẳng…

  1. Bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT

Ngày 26/8/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 919/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/QĐ-BHXH; Quyết định 1399/QĐ-BHXH; Quyết định 488/QĐ-BHXH .

Theo đó, bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT sau:

– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thai sản (Mẫu 11A-HSB; 11B-HSB).

– Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (Mẫu 06/BHYT).

– Giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận (Mẫu 17-CBH).

– Giấy xác nhận đang đi học của nhà trường (Mẫu 22-CBH).

– Giấy đề nghị tạm ứng mai tang phí (Mẫu 30-CBH).

– Quyết định của cấp có thẩm quyền cử đi học tập, làm việc ở nước ngoài.

– Giấy ủy quyền nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

– Giấy đề nghị xác nhận chữ ký (Mẫu số 21-CBH).

– Danh sách xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (Mẫu số 24a-CBH).

– Giấy xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (Mẫu số 24b-CBH).

  1. Thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN

Từ ngày 5-10, cho phép thương nhân được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O mẫu D). Thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình phải là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính mình sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong hainăm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD và phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị của Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Sau khi được lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân vẫn có quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D theo quy định hiện hành. Thông tư 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, có hiệu lực từ ngày 5-10 quy định.

  1. Chỉ được nhập khẩu một ô tô, một xe máy làm quà biếu

Từ ngày 26-10, mỗi năm mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu một ô tô và một xe máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng theo hình thức quà biếu, quà tặng.

Đối với xe máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu, xe phải mới 100%, chưa qua sử dụng; bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; xe phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm.

Thông tư 143/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định thủ tục hải quan và quản lý ô tô, xe máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 26-10 quy định.

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp)