Thứ Sáu, 16/09/2016 8:23:26 (GMT+7)

Chính sách mới của Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có hiệu lực từ tháng 9/2016

Chính phủ và các Bộ ngành của Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt về thuế xuất – nhập khẩu. IPA Vinh Phuc giới thiệu một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 09/2016.

Chính sách mới của Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có hiệu lực từ tháng 9/2016

  1. Áp dụng biểu thuế xuất – nhập khẩu ưu đãi mới từ 01/9/2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, các mặt hàng phân bón thuộc các nhóm hàng 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu như sau:

– Nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành phẩm trở lên áp dụng mức thuế suất là 5%.

– Các mặt hàng phân bón không thuộc trường hợp nêu trên thì áp dụng mức thuế suất tại biểu thuế xuất khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Một số mặt hàng hóa dầu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo lộ trình từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016 là 1% và từ ngày 01/01/2017 trở đi là 3% quy định tại mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thực hiện cam kết WTO cho các năm 2017, 2018 và từ 2019 trở đi.

Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2016.

 

  1. Biểu thuế thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg quy định về việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu. Theo đó:

– Áp dụng mức thuế suất thông thường được quy định đối với từng mặt hàng cụ thể theo Biểu thuế suất thông thường tại Phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định này; hoặc
– Áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đối với:

+ Hàng hóa nhập khẩu không có tên trong Biểu thuế kèm theo Quyết định này

+ Hàng hóa không thuộc trường hợp là hàng nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Điểm a, b Khoản 3 Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016.

 

  1. Hướng dẫn mới về thuế suất thuế nhập khẩu

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Công văn số 8600/TCHQ-TXNK về việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (LTXNK). Theo đó:

– Hàng nhập khẩu theo Điểm a Khoản 3 Điều 5 LTXNK thì áp dụng mức thuế suất ưu đãi quy định cho từng mặt hàng tại hướng dẫn tại Mục I, II, III Phụ lục II Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
– Hàng nhập khẩu theo Điểm b Khoản 3 Điều 5 LTXNK thì áp dụng mức thuế suất quy định tại các Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do.

– Hàng nhập khẩu theo Điểm c Khoản 3 Điều 5 LTXNK (không thuộc các trường hợp nêu trên) thì áp dụng thuế suất thông thường như sau:

+ Đối với các mặt hàng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TTg năm 2016 thì áp dụng thuế suất là 5%;

+ Đối với các mặt hàng còn lại thì áp dụng thuế suất bằng 150% mức thuế tương ứng được quy định tại Mục I, II, III Phụ lục II Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Công văn số 8600/TCHQ-TXNK ban hành ngày 07/9/2016.

 

  1. Thông báo chất lượng hàng nhập khẩu trong vòng 3 ngày

Thông tư liên tịch số 110/2016/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 01/9/2016.

Theo đó, Cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa phải:

– Kiểm tra và ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng trong vòng 03 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá sự phù hợp với lô hàng có đủ hồ sơ hợp lệ.

– Gửi kết quả kiểm tra cho Cổng thông tin một cửa quốc gia; nếu chưa thực hiện kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia thì gửi bằng bản fax hoặc file ảnh tới cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.

– Nếu không gửi được thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan thì gửi cho người khai để nộp cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa.

 

  1. Điều kiện hàng hóa áp dụng thuế suất AIFTA

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2016-2018 (thuế suất AIFTA).

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất AIFTA cần có các điều kiện sau:

+ Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành theo Nghị định này;

+ Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của Hiệp định;

+ Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu (các nước trong Hiệp định) vào Việt Nam, do Bộ Công Thương quy định;

+ Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định, có Giấy chứng nhận hàng hóa (C/O) Mẫu AI do Bộ Công Thương quy định.

Ngoài ra, trong Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định thì cột “Mã hàng” và “Tên gọi, mô tả hàng hóa” được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và phân loại cấp mã 8 hoặc 10 số.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và bãi bỏ Thông tư số 169/2014/TT-BTC.

 

  1. Điều kiện hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hàng hóa từ Nhật Bản

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo Hiệp định giữa Việt Nam – Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2016 – 2019.

Theo đó, quy định điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất VJEPA) nếu:

– Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành theo Nghị định này;

– Được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam;

– Được vận chuyển trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam do Bộ Công thương quy định;

– Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định giữa Việt Nam – Nhật Bản về Đối tác kinh tế, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu JV do Bộ Công Thương quy định.

Ngoài ra, hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam (kể cả hàng gia công) nhập khẩu vào thị trường trong nước được áp dụng thuế suất VJEPA nếu:

– Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Nghị định này;

– Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu VJ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và thay thế Thông tư 25/2015/TT-BTC.

 

  1. Chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Lào

Ngày 01/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2016/NĐ-CP quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào. Theo đó:

Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Lào thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu bằng 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA.

Nếu thuế suất tại Biểu thuế ATIGA cao hơn thuế xuất tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) thì áp dụng giảm 50% theo thuế suất quy định tại MFN.

Hàng hóa được hưởng ưu đãi trên phải đáp ứng điều kiện sau:

+ Nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ Lào vào Việt Nam.

+ Đáp ứng quy định hiện hành về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam – Lào và có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 đến 03/10/2020.

Đặng Hằng - IPA Vinh Phuc