Thứ Hai, 17/10/2016 15:02:13 (GMT+7)

Chính sách mới của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2016 (Phần 2)

Sau đây là các chính sách mới do Chính phủ và các Bộ ngành của Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Chính sách mới của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2016 (Phần 2)

1. Nguyên tắc tính lương quản lý Công ty TNHH MTV Nhà nước

Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ tiền lương, thưởng, thù lao đối với người quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã được ban hành ngày 01/9/2016.

Theo đó, lương của người quản lý được xác định theo nguyên tắc sau:

– Tiền lương của người quản lý chuyên trách được xác định và trả gắn với hiệu suất sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, có khống chế mức tối đa và đảm bảo tương quan hợp lý với người lao động.

– Tiền lương của người quản lý không chuyên trách tính theo công việc và thời gian làm việc nhưng không quá 20% tiền lương của người quản lý chuyên trách.

– Quỹ tiền lương của người quản lý công ty được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động.

– Hàng tháng, người quản lý công ty được tạm ứng bằng 80% số tiền lương tạm tính cho tháng đó, 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.

– Quỹ tiền lương của người quản lý công ty được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2016.

  1. Hệ số điều chỉnh lương quản lý là người đại diện vốn Nhà nước

Từ ngày 15/10/2016, Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quy định về tiền lương, thù lao đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với quy mô lợi nhuận theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của công ty đối với quản lý là người đại diện vốn Nhà nước được quy định như sau:

– Hệ số tối đa bằng 0,5 đối với công ty có lợi nhuận từ 50 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng;

– Hệ số tối đa bằng 1,0 đối với:

+ Công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng;

+ Công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng;

+ Công ty thuộc các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng.

– Hệ số tối đa bằng 1,5 đối với:

+ Công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 500 tỷ đến dưới 1000 tỷ đồng;

+ Công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 300 tỷ đến dưới 700 tỷ đồng;

+ Công ty thuộc các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 200 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng.

  1. Thời hạn sử dụng tài khoản truy cập Cổng thông tin hải quan

Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg về quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10/2016.

Theo đó, thời hạn sử dụng của tài khoản dùng để truy cập Cổng thông tin hải quan được quy định như sau:

– 24 tháng (hoặc do bên sử dụng thông tin đề nghị nhưng không quá 24 tháng) đối với tài khoản đăng ký mới hoặc bổ sung thời hạn sử dụng;

– Thời hạn được tính từ ngày Tổng cục Hải quan (TCHQ) gửi văn bản thông báo kết quả đăng ký mới hoặc bổ sung thời hạn sử dụng cho đầu mối đăng ký của bên sử dụng thông tin;

– 30 ngày trước thời điểm hết hạn sử dụng, TCHQ có trách nhiệm thông báo tới từng cá nhân đăng ký tài khoản về việc chuẩn bị hết hạn sử dụng dưới hình thức thư điện tử hoặc tin nhắn từ các địa chỉ, số điện thoại do TCHQ công bố chính thức.

4. Người khai hải quan phải bổ sung C/O trong vòng 30 ngày

Ngày 04/10/2016, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 13959/BTC-TCHQ hướng dẫn bổ sung Công văn 12802/BTC-TCHQ về thời điểm nộp C/O (trừ C/O mẫu VK (KV)). Theo đó:

– Người khai hải quan phải nộp bản chính C/O cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan để được xem xét hưởng mức thuế ưu đãi theo biểu thuế suất ưu đãi tương ứng.
– Trường hợp chưa có bản chính C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải khai báo việc nộp bổ sung C/O trên tờ khai hải quan và nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.

– Thời điểm làm thủ tục hải quan được tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đến trước khi hàng hóa được thông quan.

– Trong thời gian chưa nộp C/O, người khai hải quan khai báo theo mức thuế suất MFN.
Hướng dẫn tại Công văn số 13959/BTC-TCHQ và Công văn số 12802/BTC-TCHQ áp dụng đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/9/2016.

  1. Cấp cứu dưới 4 giờ không được thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú

Đây là nội dung được đề cập tại Công văn số 7117 do Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn bổ sung thực hiện Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đó, trong trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh thì:

– Nếu thời gian điều trị dưới 4 giờ thì cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiền khám bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo phạm vi thanh toán của BHYT. Cơ quan BHYT cũng như người bệnh không phải thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

– Nếu thời gian điều trị từ 4 giờ trở lên thì cơ quan BHYT và người bệnh chỉ thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo quy định mà không phải thanh toán tiền khám bệnh cho cơ sở khám chữa bệnh nữa vì tiền khám bệnh đã được tính trong chi phí ngày giường điều trị nội trú.

Nội dung hướng dẫn trên không áp dụng với trường người bệnh vào đăng ký và khám bệnh tại khoa khám bệnh. Trường hợp này, người bệnh vẫn phải thanh toán tiền khám bệnh theo quy định.

Ngoài ra, công văn trên còn hướng dẫn một số nội dung khác như: Thanh toán ngày giường bệnh điều trị nội trú; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện/trung tâm y tế huyện; tiền giường lưu tại trạm y tế tuyến xã. Phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương áp dụng giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện đó…

Công văn này có hiệu lực từ 1/10/2016.

  1. Hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng ven biển

Nghị định số 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

Theo Nghị định này, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành. Đồng thời, kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển và được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.

Đặng Hằng – IPA Vinh Phuc (Cập nhật)