Thứ Hai, 08/06/2020 19:52:09 (GMT+7)

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2020

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2020

Nguồn: Internet

Điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn

Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/04/2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn có hiệu lực từ ngày 15/06/2020. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.

Cụ thể, sân gôn được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân gôn; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo…

Hướng dẫn mức chi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật

Thông tư 27/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ 5/6/2020, trong đó quy định chi công lao động thuê ngoài đối với cán bộ trực tiếp xây dựng dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật mức chi tối đa là 45.000.000 đồng/01 dự thảo.

Quy định về hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2020, Nghị định 46/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09/04/2020 quy định về thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (Hệ thống ACTS); chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.

Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.

Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 05 – 10 triệu đồng.

Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Để phù hợp với pháp luật hiện hành, ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28 năm 2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.

Cụ thể, Thông tư này đã bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như:

– Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC  về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.

– Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

– Thông tư số 121/2011/TT-BTC  hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013…

Nguyễn Nam (tổng hợp)