Thứ Sáu, 09/04/2021 9:33:44 (GMT+7)

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021

1.    Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Ngoài đáp ứng các tiêu chí tại Luật Công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao còn phải đồng thời đáp ứng thêm các tiêu chí sau:

– Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

– Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào hằng năm:

+ Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc hai trường hợp trên, phải đạt ít nhất 2%.

– Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp trên tổng số lao động:

+ Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp hai trường hợp trên phải đạt ít nhất 5%.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/4/2021.

2.    Điều kiện miễn thuế với nhập khẩu linh kiện

Theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm để sản xuất phục vụ các dự án sau:

– Dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư

– Dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

– Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan.

Hết thời hạn miễn thuế 05 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

3. Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán

Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.

Theo đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ được quy định như sau:

– 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có:

+ Doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên.

+ Mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

– Ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên.

(Hiện nay, Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC quy định: “Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải được kiểm tra chất lượng định kỳ 3 năm một lần”).

4. Thời gian làm việc của hệ thống thanh toán liên ngân hàng

NHNN ban hành Thông tư 21/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (Hệ thống TTLNH).

Theo đó, các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:

– Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 8 giờ 00 phút của ngày làm việc;

– Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán ngoại tệ: 9 giờ 00 phút của ngày làm việc;

– Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị thấp, thời điểm ngừng nhận yêu cầu xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 16 giờ 30 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 00 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

– Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ: 17 giờ 00 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 45 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

– Thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán (nếu có): tối đa 30 phút kể từ thời điểm Hệ thống TTLNH ngừng nhận Lệnh thanh toán;

– Thời điểm thực hiện các công việc cuối ngày (kiểm tra các điều kiện đối chiếu, thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia): ngay sau thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán.

5.    Thêm một số loại phí hải quan mới

Thông tư 14/2021/TT-BTC đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.

Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.

Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…

Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…

Nguồn: sokhdt.vinhphuc.gov.vn